Thanh tra Chính phủ ban hành Thông tư quy định xét tặng Kỷ niệm chương
Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa ban hành Thông tư số 02/2024/TT- TTCP quy định xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Thanh tra”. Đây là hình thức tặng thưởng của Tổng Thanh tra Chính phủ cho cá nhân có thành tích góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành Thanh tra và được xét tặng vào dịp kỷ niệm Ngày Truyền thống Thanh tra Việt Nam (23/11) hàng năm và xét tặng đột xuất đối với các trường hợp đặc biệt.
Thanh tra Chính phủ ban hành Thông tư quy định xét tặng Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Thanh tra". Ảnh minh hoạ: Phương Hiếu
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/5/2024 thay thế Thông tư số 01/2017/TT-TTCP ngày 10/4/2017 của TTCP quy định xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Thanh tra”.
Đối tượng xét tặng là cá nhân đã và đang công tác trong các cơ quan thanh tra và người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành.
Cá nhân có thành tích trong việc lãnh đạo, chỉ đạo góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành Thanh tra Việt Nam, gồm: Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lãnh đạo các ban, ngành và đoàn thể chính trị - xã hội ở Trung ương; lãnh đạo Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Bí thư, Phó Bí thư tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc trung ương; Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh, phố trực thuộc trung ương; lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc, lãnh đạo các đoàn chính trị - xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Bí thư, Phó Bí thư ủy, quận ủy, thị ủy, thành ủy thuộc tỉnh, thành uỷ thuộc thành phố trực thuộc trung ương; Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương; Trưởng ban, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ; Tổng cục trưởng, Phó Tổng cục trưởng; Cục trưởng, Phó Cục trưởng và tương đương thuộc Bộ; Giám đốc, Phó Giám đốc sở và tương đương.
Cá nhân là người Việt Nam ở nước ngoài hoặc người nước ngoài có đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển ngành Thanh tra Việt Nam.
Và các trường hợp khác do Tổng Thanh tra Chính phủ quyết định.
Thông tư cũng quy định chưa xét tặng Kỷ niệm chương đối với cá nhân đang trong thời gian xem xét kỷ luật hoặc có liên quan đến các vụ án hình sự mà chưa có kết luận của cơ quan có thẩm quyền; chưa xét tặng đối với cá nhân đang trong thời gian thi hành kỷ luật. Thời gian chịu hình thức kỷ luật không được tính vào thời gian công tác để xét tặng Kỷ niệm chương.
Không xét tặng đối với các cá nhân đã bị buộc thôi việc, bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị khai trừ ra khỏi Đảng; không xét tặng cho những cá nhân đã được tặng Huy chương “Vì sự nghiệp Thanh tra”.
Về điều kiện, tiêu chuẩn xét tặng Kỷ niệm chương, cá nhân là lãnh đạo TTCP có thời gian giữ chức vụ từ đủ 4 năm trở lên tính đến ngày 1/9 của năm đề nghị xét tặng; cá nhân công tác trong các cơ quan thanh tra có thời gian công tác liên tục từ đủ 10 năm trở lên tính đến ngày 1/9 của năm đề nghị xét tặng.
Người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành có thời gian làm công tác thanh tra liên tục từ đủ 20 năm trở lên tính đến ngày 1/9 của năm đề nghị xét tặng.
Cá nhân thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 4 của Thông tư là Lãnh đạo Đảng, Nhà nước có đóng góp trong quá trình xây dựng và phát triển ngành Thanh tra.
Cá nhân thuộc đối tượng quy định tại điểm b, điểm c, điểm d khoản 2 Điều 4 phải có thời gian giữ chức vụ ít nhất từ đủ 5 năm trở lên và có ít nhất 4 năm phụ trách hoặc theo dõi công tác thanh tra.
Cá nhân thuộc đối tượng quy định tại các điểm đ, điểm e, điểm g khoản 2 Điều 4 phải có thời gian giữ chức vụ ít nhất từ đủ 10 năm trở lên và có ít nhất 8 năm phụ trách hoặc theo dõi công tác thanh tra. Các trường hợp khác do Tổng Thanh tra Chính phủ quyết định.
Đối với các cá nhân được ưu tiên xét tặng Kỷ niệm chương Điều 7 quy định, cá nhân thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 4 của Thông tư này được ưu tiên xét tặng Kỷ niệm chương như sau: cá nhân được tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang”, “Anh hùng lao động”, Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập các hạng được đề nghị xét tặng sau khi có quyết định khen thưởng; cá nhân được tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước”, danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”, huân chương các loại (trừ các loại huân chương quy định tại khoản 1 Điều này) được đề nghị xét tặng sớm hơn 2 năm.
Cá nhân được tặng thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ hoặc được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Bộ, ngành, tỉnh được đề nghị xét tặng sớm hơn 1 năm.
Cá nhân được tặng thưởng Bằng khen của Tổng Thanh tra Chính phủ hoặc được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” được đề nghị xét tặng sớm hơn 6 tháng.
Cá nhân còn thiếu thời gian làm công tác thanh tra hoặc phụ trách, theo dõi công tác thanh tra tối đa 12 tháng so với quy định tính đến thời điểm nghỉ hưu thì được ưu tiên xem xét tặng Kỷ niệm chương trước khi nghỉ hưu.
Các danh hiệu, hình thức khen thưởng để tính ưu tiên thời gian xét tặng Kỷ niệm chương phải được tặng và công nhận trong thời gian cá nhân làm công tác thanh tra; cá nhân được tặng nhiều danh hiệu, hình thức khen thưởng thì được tính thời gian ưu tiên của danh hiệu, hình thức khen thưởng cao nhất.
Về trình tự, thủ tục xét tặng Kỷ niệm chương Chương III Thông tư quy định, thủ trưởng các vụ, cục, đơn vị thuộc TTCP có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị xét tặng và bảo đảm tính chính xác của hồ sơ đối với các cá nhân thuộc quyền quản lý trực tiếp của mình.
Chánh Thanh tra Bộ, Chánh Thanh tra cơ quan ngang Bộ, Chánh Thanh tra cơ quan thuộc Chính phủ, Chánh Thanh tra Ban Cơ yếu Chính phủ có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị xét tặng và bảo đảm tính chính xác của hồ sơ đối với cá nhân quy định tại điểm c, điểm e khoản 2 Điều 4 của Thông tư này;
Cá nhân thuộc quyền quản lý trực tiếp, cá nhân công tác trong cơ quan tra và người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành trong thanh tra và người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành trong các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Chánh Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị xét tặng và bảo đảm tính chính xác của hồ sơ đối với các cá nhân quy định tại các điểm d, điểm đ, điểm g khoản 2 Điều 4 của Thông tư này; cá nhân thuộc quyền quản lý trực tiếp, cá nhân công tác trong các cơ quan thanh tra và người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành thuộc các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành Thanh tra có trách nhiệm thẩm định hồ sơ đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương do các cơ quan, tổ chức, đơn vị đề nghị và lập hồ sơ đề nghị xét tặng, bảo đảm tính chính xác của hồ sơ đối với Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội ở Trung ương; Lãnh đạo TTCP; các cá nhân khác không thuộc trường hợp nêu tại các khoản 1, 2 và khoản 3 Điều này.
Hồ sơ đề nghị xét tặng gồm tờ trình đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương; danh sách đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương thực hiện theo mẫu ban hành kèm theo thông tư này; bản khai thành tích và quá trình công tác đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương thực hiện theo mẫu ban hành kèm theo và áp dụng đối với các đối tượng được quy định tại khoản 1 Điều 4 của Thông tư này; bản sao các quyết định khen thưởng đối với các trường hợp được ưu tiên xét tặng.
Hồ sơ đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương được lập thành 2 bộ, 1 bộ lưu tại cơ quan, tổ chức, đơn vị trình, 1 bộ gửi Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành Thanh tra (qua Vụ Tổ chức cán bộ thuộc TTCP) trước ngày 10 tháng 9 hằng năm.
Vụ Tổ chức cán bộ thuộc TTCP có trách nhiệm tổng hợp hồ sơ đề nghị xét tặng Kỷ niệm chương, trình Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành Thanh tra trước ngày 10 tháng 10 hằng năm.
Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành Thanh tra có trách nhiệm tổng hợp, rà soát, thẩm định hồ sơ và trình Tổng TTCP xét, quyết định tặng Kỷ niệm chương cho cá nhân có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định tại Thông tư này trước ngày 10 tháng 11 hằng năm.
Đối với các trường họp khác, Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành Thanh tra có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, trình Tổng Thanh tra Chính phủ xem xét, quyết định.
Thời gian tổ chức trao tặng vào dịp Kỷ niệm Ngày Truyền thống Thanh tra Việt Nam hằng năm. Việc trao tặng đảm bảo trang trọng, tránh phô trương, hình thức, lãng phí.
Vụ Tổ chức cán bộ thuộc TTCP có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan tham mưu, giúp Tổng TTCP tổ chức trao tặng cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước; ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các ban, ngành, đoàn thể chính trị-xã hội ở Trung uơng; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang công tác tại TTCP; các cá nhân quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 4 của Thông tư này.
Thanh tra Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Thanh tra Cơ yếu có trách nhiệm tổ chức trao tặng cho các cá nhân quy định tại khoản 1 và điểm c, điểm e khoản 2 Điều 4 của Thông tư này.
Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức trao tặng cho các cá nhân quy định tại khoản 1 và điểm d, điểm đ, điểm g khoản 2 Điều 4 của Thông tư này.
Các trường hợp khác do Tổng Thanh tra Chính phủ quyết định.