Thủ tục 2: Thủ tục giải quyết khiếu nại lần hai tại cấp tỉnh

          1. Trình tự thực hiện

          Bước 1: Tiếp nhận đơn

          Tổ chức, cá nhân khiếu nại gửi đơn và các tài liệu liên quan (nếu có) đến  cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

          Bước 2: Thụ lý đơn

          Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, người có thẩm quyền thụ lý để giải quyết và thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu biết; trường hợp không thụ lý để giải quyết thì thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại và nêu rõ lý do.

          Bước 3: Xác minh vụ việc khiếu nại

          Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần hai, người có thẩm quyền căn cứ vào vào nội dung, tính chất của việc khiếu nại tiến hành xác minh, kết luận nội dung khiếu nại.

          Bước 4: Tổ chức đối thoại:

          Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần hai, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại trước khi ra quyết định giải quyết khiếu nại phải tiến hành đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại, hướng giải quyết khiếu nại, thông báo bằng văn bản với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức có liên quan biết thời gian, địa điểm, nội dung việc gặp gỡ, đối thoại.

          Khi đối thoại, đại diện cơ quan có thẩm quyền nêu rõ nội dung cần đối thoại; kết quả xác minh nội dung khiếu nại; người tham gia đối thoại có quyền phát biểu ý kiến, đưa ra những bằng chứng liên quan đến vụ việc khiếu nại và yêu cầu của mình.

          Việc đối thoại được lập thành biên bản; biên bản ghi rõ ý kiến của những người tham gia; kết quả đối thoại, có chữ ký hoặc điểm chỉ của người tham gia; trường hợp người tham gia đối thoại không ký, điểm chỉ xác nhận thì phải ghi rõ lý do, biên bản này được lưu vào hồ sơ vụ việc khiếu nại. Kết quả đối thoại là một trong các căn cứ để giải quyết khiếu nại.

          Bước 5: Ra quyết định giải quyết khiếu nại.

          Chủ tịch UBND tỉnh, giám đốc Sở và cấp tương đương ra quyết định giải quyết khiếu nại bằng văn bản. Nội dung Quyết định giải quyết khiếu nại có các nội dung: Ngày, tháng, năm ra quyết định; Tên, địa chỉ của người khiếu nại, người bị khiếu nại; Nội dung khiếu nại; Kết quả giải quyết khiếu nại của người giải quyết khiếu nại lần đầu; Kết quả xác minh nội dung khiếu nại; Kết quả đối thoại; Căn cứ pháp luật để giải quyết khiếu nại; Kết luận nội dung khiếu nại là đúng, đúng một phần hoặc sai toàn bộ. Trường hợp khiếu nại là đúng hoặc đúng một phần thì yêu cầu người có quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại sửa đổi, hủy bỏ một phần hay toàn bộ quyết định hành chính, chấm dứt hành vi hành chính bị khiếu nại. Trường hợp kết luận nội dung khiếu nại là sai toàn bộ thì yêu cầu người khiếu nại, người có quyền, nghĩa vụ liên quan thực hiện nghiêm chỉnh quyết định hành chính, hành vi hành chính; Việc bồi thường cho người bị thiệt hại (nếu có); Quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án.

          Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày có quyết định giải quyết khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần 2 phải gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại, người bị khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu, người có quyền, nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển khiếu nại đến. Ủy ban nhân dân tỉnh; Sở, ngành công khai quyết định giải quyết khiếu nại theo một trong các hình thức sau đây: Công bố tại cuộc họp cơ quan, tổ chức nơi người bị khiếu nại công tác; Niêm yết tại trụ sở cơ quan; Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng.

  2. Cách thức thực hiện: Trực tiếp hoặc qua đường bưu điện.          

3. Thành phần, số lượng hồ sơ:

          a) Thành phần hồ sơ:

          - Đơn khiếu nại hoặc bản ghi lời khiếu nại;

          - Tài liệu, chứng cứ liên quan đến nội dung khiếu nại;

          - Biên bản kiểm tra, xác minh, kết luận, kết quả giám định (nếu có);

          - Biên bản tổ chức đối thoại lần 1 (nếu có);

          - Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu;

          - Các tài liệu khác có liên quan.

          b) Số lượng hồ sơ: 01 bộ.

          4. Thời  hạn giải quyết: Không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý.

          5. Đối tượng thực hiện TTHC: Cá nhân, tổ chức.

          6. Cơ quan thực hiện TTHC

          a) Cơ quan có thẩm quyền quyết định: Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Giám đốc Sở và cấp tương đương.

          b) Cơ quan trực tiếp thực hiện: Thanh tra tỉnh và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh (giải quyết vụ việc thuộc thẩm quyền Chủ tịch UBND cấp tỉnh), Thanh tra Sở, các cơ quan chuyên môn thuộc Sở (giải quyết vụ việc thuộc thẩm quyền của Giám đốc các sở và cấp tương đương).

          7. Kết quả thực hiện TTHC: Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai.

          8. Lệ phí: Không.

          9. Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai (dùng để tham khảo)

          - Đơn khiếu nại;

          - Giấy ủy quyền khiếu nại.

          10. Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính:

          - Điều 11, Luật khiếu nại năm 2011: Người có thẩm quyền giải quyết không thụ lý giải quyết khi khiếu nại thuộc một trong các trường hợp sau:

          1. Quyết định hành chính, hành vi hành chính trong nội bộ cơ quan nhà nước để chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công vụ; quyết định hành chính, hành vi hành chính trong chỉ đạo điều hành của cơ quan hành chính cấp trên với cơ quan hành chính cấp dưới; quyết định hành chính có chứa đựng các quy phạm pháp luật do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ban hành theo trình tự, thủ tục của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật; quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo danh mục do Chính phủ quy định;

          2. Quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại không liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại;

          3. Người khiếu nại không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ mà không có người đại diện hợp pháp;

          4. Người đại diện không hợp pháp thực hiện khiếu nại;

          5. Đơn khiếu nại không có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại;

          6. Thời hiệu, thời hạn khiếu nại đã hết mà không có lý do chính đáng;

          7. Khiếu nại đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai;

          8. Có văn bản thông báo đình chỉ việc giải quyết khiếu nại mà sau 30 ngày người khiếu nại không tiếp tục khiếu nại;

          9. Việc khiếu nại đã được Tòa án thụ lý hoặc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của Toà án, trừ quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hành chính của Tòa án.

          - Khoản 1, Điều 33, Luật khiếu nại:

          Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại quy định tại Điều 28 của Luật khiếu nại mà khiếu nại lần đầu không được giải quyết hoặc kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu mà người khiếu nại không đồng ý thì có quyền khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai.

          Trường hợp khiếu nại lần hai thì người khiếu nại phải gửi đơn kèm theo quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, các tài liệu có liên quan cho người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai.

          11. Căn cứ pháp lý của thủ tục hành chính:

          - Luật khiếu nại năm 2011;

          - Nghị định 75/2012/NĐ-CP ngày 03/10/2012 quy định chi tiết một số điều của Luật khiếu nại;

          - Thông tư số 07/2013/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ ngày 31/10/2013 quy định quy trình giải quyết khiếu nại hành chính;